Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Nguồn gốc của lễ hội Halloween

Nguồn gốc của lễ hội Halloween
Ngày đăng: 19/10/2010
Ngày lễ Halloween nhằm ngày 31 tháng Mười hàng năm, đây được coi như ngày hội Halloween hay ngày Tết Halloween bởi vì nó vui vẻ và nhộn nhịp vô cùng, nhất là đối với trẻ em.

Hằng năm cứ đến đầu tháng mười, các học-sinh, nhất là những học sinh mẫu giáo và tiểu học đã nôn nao chuẩn bị mừng Tết Halloween. Trẻ em đều thích mua hay đi hái bí ngô tươi (pumpkin) để đem về đẽo làm lồng đèn “Jack-o’-Lantern.” Chúng còn thích sắm trang phục đặc biệt để mặc và mua mặt nạ đeo để hóa trang thành quỉ hay con thú vào tối ngày Tết Halloween trong lúc đi đến từng nhà xin kẹo bánh, gọi là đi “trick-or-treating.”

Nguồn Gốc Tết Halloween

Tết Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân tộc Celts. Dân-tộc Celts sống cách đây khoảng hai ngàn năm ở phần đất bây giờ gọi là nước Anh (Great Britain), Ireland, và phía bắc nước Pháp (France). Tết của dân tộc Celts nhằm ngày 1 tháng 11 dương lịch. Buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được tổ-chức vào tối đêm trừ tịch, đêm trước của năm mới, tức là 31 tháng 10 dương lịch để tưởng nhớ và vinh danh Thánh Samhain, vị chúa tể cai quản những linh hồn người chết. Người Celts tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh-hồn người chết trở về dương thế thăm gia đình và ăn tết vào đêm trừ tịch trong ngày tết của họ.

Vào năm 43 dương lịch, dân tộc Celts bị người La Mã chinh phục và cai trị lãnh thổ của họ mà ngày nay gọi là nước Anh (Great Britain) trong khoảng 400 năm. Trong thời kỳ này, hai ngày “Hội Mùa Thu” của người La Mã được tổng hợp với ngày hội kỷ niệm Thánh Samhain của dân tộc Celts. Một trong hai ngày “Hội Mùa Thu” này có tên là Feralia được tổ chức vào cuối tháng 10 dương lịch để vinh danh người chết. Ngày hội thứ hai dùng để vinh danh Thần Pomona, tức là Nữ Thần Hoa Quả và Cây Cối.

Tục lệ đoán vận mệnh tương lai được sử dụng trong trò chơi thi nhau cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây hay thi nhau cắn quả táo được thả trong chậu nước vào ngày lễ Halloween có thể do tục lệ của hai ngày Hội Mùa Thu này mà ra.

Bí ngô - biểu tượng của ngày lễ Halloween

Tên Tết Halloween lấy từ tên của ngày lễ “All Saints' Day” bởi vì ngày 31 tháng 10 được gọi là “All hallows' Eve.”

Nhà thờ Thiên Chúa Giáo lấy ngày 1 tháng 11 dương lịch để thiết lập Ngày Các Chư Thánh (All Saints' Day). Ngày Các Chư Thánh là một ngày linh-thiêng đã được những người theo đạo Thiên Chúa tôn trọng để vinh danh các Thánh của đạo Thiên Chúa, đặc biệt đối với những Chư Thánh không có ngày dành riêng để kỷ niệm. Ngày Các Chư Thánh được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5 năm 609 (610?) dương-lịch khi Hoàng Đế Phocas tặng đức Giáo Hoàng Boniface IV ngôi đền cổ của người La-Mã để dùng làm nhà thờ.

Ở Anh trước đây, đêm Halloween đã từng được gọi là “Nutcrack Night” hay “Snap Apple Night” tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn các hạt trái cây và ăn táo hay bôm.

Vào Ngày Các Chư Thánh, những người nghèo đi ăn xin, tiếng Anh gọi là A-Souling, thường được người ta cho một thứ bánh gọi là bánh linh hồn (soulcakes) với điều-kiện là những người ăn mày này phải cầu nguyện cho người chết.

Khi người Scots và người Irish đến định-cư ở Bắc-Mỹ, họ mang theo những phong-tục của họ. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, Tết Halloween mới được thịnh hành kể từ thế kỷ thứ 18 trở đi mà thôi.

http://www.giadinhtoi.vn/tintuc/2350-nguon-goc-cua-le-hoi-halloween.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét